Từ những việc vụn vặt như đun nước bằng ấm siêu tốc, bà đều yêu cầu không được dùng ngay khi ấm vừa tắt đèn, phải đợi thêm một lúc thì mới yên tâm. Rồi đến chuyện nấu ăn, mẹ chồng yêu cầu tôi kho cá, kho thịt tuyệt đối không được cho đường. Trong khi tôi biết chồng tôi ăn ở bất kỳ đâu cũng vô cùng dễ tính.
Những việc này tôi đều nghe mẹ hết, hoàn toàn không dám sai phạm. Tôi chấp nhận từ bỏ mọi thói quen không phù hợp với suy nghĩ của bà. Ví dụ, bỏ ý định đưa cả nhà đi ăn ngoài hàng vào dịp cuối tuần vì mẹ bảo ăn ở ngoài không hợp vệ sinh, từ bỏ các buổi tụ họp bạn bè vì bà không thích...
Những điều mẹ không muốn, tôi đều ghi nhớ làm theo để tránh làm bà phật ý. Nhưng đến khi tôi sinh bé Thỏ, nhiều việc mẹ can thiệp khiến tôi không hài lòng. Cả đêm tôi thức trông con quấy khóc, sáng muốn ngủ thêm một chút mẹ cũng nói không nên vì dậy muộn không tốt cho sức khỏe và mẹ chính là minh chứng.
Bố chồng tôi là bộ đội, thường xuyên không ở nhà, sau rồi ông lại mất sớm nên việc mẹ dậy sớm là chuyện bình thường. Chưa kể, thói quen sinh hoạt ấy giúp mẹ có sức khỏe và sự nhanh nhẹn, dẻo dai. Rồi ngay cả cách ăn, cách chơi của bé, bà cũng hướng theo ý bà. Mâu thuẫn đỉnh điểm xảy ra là ngày tôi xin phép đi chơi, đón bạn ở bên Pháp trở về.
Đúng hôm đó, bé Thỏ bị sốt co giật. Tôi có lỗi vì đã mải vui bạn bè quên không kiểm tra điện thoại. Đến lúc phát hiện ra cả chục cuộc nhỡ từ cô giáo, chồng và mẹ chồng, tôi mới cuống cuồng lao về. Bữa đó, tôi bị mẹ chồng mắng tối tăm mặt mũi, khiến tôi không nhịn được ấm ức mà nói hết bực tức trong lòng bấy lâu.
Tôi tuyên bố sẽ ra ở riêng vì tôi không muốn tiếp tục sống cuộc sống thiếu tự do này nữa, làm gì, nói gì cũng phải nhìn thái độ của mẹ. Chồng tôi là người hiểu chuyện nên anh ấy tỏ ra rất buồn lòng, hết an ủi tôi lại quay sang vỗ về mẹ để tìm cách giảng hòa. Nhưng tôi cương quyết đi tìm nhà mua, ý chí vô cùng kiên định, như thể nếu như không phải lúc này thì sẽ không bao giờ có cơ hội nào nữa.
Tuy nhiên, kế hoạch tìm nhà của tôi thay đổi đột ngột vì mẹ chồng bị chuẩn đoán u ác thực quản, di căn ổ bụng. Vợ chồng tôi dồn tiền chạy chữa cho bà, thu xếp công việc cơ quan để thay nhau ở bệnh viện chăm mẹ. Một ngày khi cơn đau bớt hành hạ, mẹ cầm tay tôi mắt ngân ngấn khóc.
Bà xin lỗi vì đã khiến tôi chịu nhiều ấm ức trong lòng nhưng bà khẳng định với tôi rằng, bà luôn coi tôi như con gái. Mọi điều bà làm đều xuất phát từ ý muốn tốt cho vợ chồng tôi chứ không có ý gì khác, càng không phải lấy tư cách mẹ chồng ra để xét nét, khó dễ tôi. Thâm tâm mẹ cũng biết mẹ là người khó tính nhưng cuộc đời mẹ chỉ mong mỏi cho con cháu an vui.
Nghe mẹ nói, tôi không cầm được nước mắt. Tôi cũng muốn xin lỗi bà nhưng cuối cùng lại chỉ dám thì thầm: "Mẹ mau khỏe lại, con hứa sẽ không dọn đi ở riêng nữa".
Những ngày ngồi bên giường bệnh chăm bà, tôi có nhiều thời gian để xâu chuỗi mọi việc xảy ra trong mối quan hệ giữa chúng tôi. Ngay từ ban đầu, chỉ dựa vào những câu chuyện nghe lỏm mang đầy tính tiêu cực về mẹ chồng - nàng dâu, trong lòng tôi đã có những ám ảnh và ấn tượng không tốt về mối quan hệ nhạy cảm này.
Do đó, mọi việc mẹ làm, tôi đều nhìn dưới góc độ tiêu cực. Giờ đây, khi mẹ ốm yếu nằm trên giường bệnh, tôi đang phải trải qua cảm giác người thân của mình sẽ rời xa bất cứ lúc nào. Nếu thời gian quay lại, tôi sẽ chọn cách tâm sự với mẹ sớm hơn, để chúng tôi có cơ hội bày tỏ suy nghĩ trong lòng và gỡ bỏ mọi buồn phiền, khúc mắc.
Tôi không cầm được nước mắt khi ngồi ngắm bà đang chơi với bé Thỏ. Hình ảnh mẹ lúc khỏe mạnh, thoăn thoắt tay chân làm lụng việc này, việc khác đỡ đần vợ chồng tôi cứ hiện mãi trong suy nghĩ của tôi. Đến giờ, tôi mới cảm nhận được sâu sắc tình yêu trong đó.
Tôi lặng lẽ lên ban thờ bố thắp hương, cầu mong bố giúp mẹ vượt qua bạo bệnh để ở bên chúng tôi thật lâu, cho tôi cơ hội yêu thương mẹ nhiều hơn.
Theo Dân Trí
Theo ông Sơn, 4 năm đại học không dài, chỉ đủ cho các em tích lũy những hành trang học vấn nghề nghiệp cơ bản để vào đời. Vì vậy sự nỗ lực, dốc sức học tập trong những năm đại học là yếu tố có ý nghĩa quyết định và quan trọng nhất trong giai đoạn này.
“Khi chưa dành hết sức cho học tập, các em đang làm mất cơ hội cuộc sống của chính mình. Khi ta dành công sức tối thiểu, kết quả đạt được cũng sẽ là tối thiểu. Dù cha mẹ có nêu tấm gương đẹp nhất, thầy cô nỗ lực cao nhất, cuối cùng sự nỗ lực của bản thân mới quyết định việc các em học được bao nhiêu và học như thế nào. Chỉ khi đã nỗ lực hết sức mới có thể mong đợi có đủ kiến thức, kỹ năng để tự lập, tạo lập cuộc sống và điều khiển vận mệnh của mình", ông Sơn chia sẻ.
Vị hiệu trưởng cũng chúc các tân sinh viên một cuộc sống sinh động, nhiều trải nghiệm, nhiều ý nghĩa và nỗ lực cao nhất để trưởng thành về con người và nghề nghiệp.
Tại buổi lễ, nhà trường cũng tổ chức vinh danh các tân sinh viên có thành tích xuất sắc trong kỳ tuyển sinh năm 2024. Trong số này có em Nguyễn Thanh Xuân, một trong những đồng thủ khoa tổ hợp khối C00 toàn quốc năm 2024 với 29,75 điểm (Văn 9,75 điểm; Lịch sử 10; Địa lý 10 điểm), trúng tuyển vào ngành Sư phạm Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - ngành học có mức điểm chuẩn cao nhất cả nước năm 2024 (29,3 điểm).
Thanh Xuân (cựu học sinh lớp 12 Sử, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh) từng là thành viên của đội tuyển dự thi học sinh giỏi của tỉnh Bắc Ninh và cũng từng giành giải Nhất quốc gia với môn Lịch sử.
Thanh Xuân cho hay, em quyết định chọn theo ngành sư phạm bởi cảm nhận sự tâm huyết, ân cần của các thầy cô giáo trong suốt hành trình học tập của mình. Nữ sinh cho rằng, chặng đường bản thân và các bạn sẽ phải trải qua có thể gặp vô vàn khó khăn và thử thách. “Hãy hiểu rõ bản thân: Mình là ai? Là người như thế nào và thực sự muốn điều gì? Hãy luôn giữ trong mình ý chí, nghị lực để vượt qua tất cả”, Thanh Xuân nhắn nhủ tới các tân sinh viên đồng khóa.